Tác giả ảnh: Ang Hwee Yong
Hình ảnh các bạn thấy là một con cú lợn đang bay. Tây sưu tầm được nhiều ảnh nó đứng yên nhưng ảnh đang bay thì lần đầu có được. Tôi nhờ cộng đồng nhiếp ảnh người Hoa kiều ở Singapore cho biết tên tiếng Hán của nó để tìm hiểu văn hoá Trung Quốc có sợ cú lợn như nỗi sợ của người Việt hay không. Kết quả là có. Nhưng đó là nỗi sợ chung cho tất cả các loài cú chứ không riêng gì cú lợn. Về mặt ngữ nghĩa chữ viết tên gọi của các loài cú trong tiếng Hán cũng thú vị. Các loài cú nói chung được người Hán gọi là Miêu Đầu Ưng (猫头鹰) tức là con chim có dáng thân na ná đại bàng nhưng mà có cái mặt như con mèo. Trong sách cổ gọi là Dạ Miêu Tử (夜猫子). Nhưng mà phân ra từng loài cú thời hiện đại thì người ta lại dùng từ Hào (鸮), con cú lợn trong tiếng Trung Quốc là Thương Hào (仓鸮). Thương ở đây là cái kho chứa lương thực chứ không phải Thương (苍 ) mang nghĩa màu xanh xao nhợt nhạt do thiếu máu. Có lẽ vì con cú lợn (Thương Hào) này dạn với con người nhất, nó đậu trên mái nhà để rình bắt chuột. Mà cái kho thóc thì lắm chuột nhất nên có lẽ có cú mà đậu trên nóc kho thóc thì được gọi là Thương Hào. Tôi đoán thế.
Quay trở lại với câu chuyện mê tín. Người Trung Quốc có câu nói kinh điển là “chỉ sợ cú cười chứ không sợ cú kêu”. Nghĩa nghe tiếng cú kêu là chuyện bình thường còn nghe tiếng cú cười thì mới sợ có tai hoạ. Người Trung Quốc từ xưa đã coi các loài chim cú nói chung là ‘chim báo tang (báo tang điểu)”. Và họ cũng có quan điểm rằng nó đậu ở vườn nhà ai mà phát ra âm thanh kỳ quái thì kiểu gì xung quanh đó sẽ có người qua đời. Vấn đề này đã có chuyên gia giải thích rồi, vì người sắp qua đời sẽ phát ra một loại hơi mà chỉ có loài cú mới cảm nhận được. Và kỳ lạ là khi chim cú mà ngửi thấy mùi này rồi thì nó rất là phấn khích nên nó…cười. Vì tiếng kêu lúc nó ngửi mùi không giống tiếng kêu thông thường nên người ta nghĩ là nó cười.
Dù câu chuyện này là thật đi chăng nữa thì cũng oan cho các loài cú. Trời sinh ra nó có giác quan đặc biệt nhạy cảm như thế và đặc trưng phản ứng khi cảm nhận mùi hơi lạnh như thế chứ nó có cố tình gây xúi quẩy cho ai đâu. Nó…bị dẫn dụ đến bởi mùi chứ nó không chủ động đến. Tây gõ lại những kiến thức văn hoá góp nhặt được này để mong cộng đồng người Việt sống vị tha hơn với loài cú Lợn nói riêng và các loài cú nói chung. Bảo vệ loài cú là giúp kiểm soát sự phá phách của các loài chuột. Cú là một loài có ích. Bảo vệ cú là bảo vệ kho lương thực của mình mà không phải dùng bã hay giấy keo dán.