Lợn nhà được thuần hoá từ lợn hoang dã cách đây khoảng 7000 năm ở di chỉ Cổ Hồ, huyện Vũ Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Thời nhà Thương, nhà Chu, kỹ thuật nuôi lợn ở thời đại này có tính cách tân, gọi là thủ thuật Yêm Cát, tức là thủ thuật thiến lợn. Trong cuốn Dịch Kinh có ghi “phần thỉ chi nha cát (豶豕之牙吉)” tức là răng của con lợn đực thiến thì lành. Ý nói rằng con lợn đực thiến rồi sẽ rất nghe lời, nếu có răng nhọn sắc bén cũng không đủ gây hại Sách Lễ Ký ghi “thỉ viết cương liệp, đồn nhật đột phì (豕曰刚鬣,豚日腯肥)”, ý nói lông thô da dày của con lợn chưa thiến gọi là Thỉ (豕), còn con lợn sau khi thiến thì mông tròn múp míp, gọi là Đồn (豚). Thuật thiến lợn là một việc trọng đại trong lịch sử nuôi lợn, cho thấy những hiểu biết của người cổ đại về tinh hoàn và tác dụng sinh lý của nó.
Nghề nuôi lợn thời nguyên thuỷ không giống thời nay. Thời đó họ chủ yếu thả rông. Theo các dữ liệu lịch sử, thời Tần – Hán có “mục thỉ nhân” (người nuôi lợn). Lương thực thời cổ đại hiếm nhưng cánh đồng hoang thì nhiều, thích hợp cho việc chăn thả loài ăn tạp như lợn. Hơn nữa lợn nuôi thời cổ đại không phải thiến toàn bộ, lợn chưa thiến có mùi vị khác lắm, chỉ những nông dân thân phận hèn kém mới ăn loại thịt này. Đến thời nhà Tống có Tô Đông Pha cải tiến cách chế biến thịt lợn thì nó mới ngon và nổi tiếng như bây giờ.
Nuôi lợn thời xưa không những để lấy thịt ăn mà còn lấy mỡ. Người thời nhà Hán có nhiều nhận thức về mối tương quan giữa mỡ lợn và điều kiện đất đai. Qua các bằng chứng khảo cổ vòng lợn bằng sứ đào được từ mộ người nhà Hán, có thể thấy thời này có hình thức chăn thả kết hợp với hình thức nuôi nhốt lợn. Để tích mỡ cho lợn, họ đã thiết kế chuồng nuôi riêng từng con. Chuồng lợn cỏ tranh và thậm chí có cửa chuồng.
Thời Nguỵ, Tấn, Nam Bắc Triều về sau, kinh nghiệm nuôi lợn được tích luỹ. Cuốn Tế Dân Yếu Thuật của thời Bắc Nguỵ có viết: “làm chuồng đừng ngại nhỏ, vì chuồng càng nhỏ thì lợn càng dễ bị béo phì. Nuôi đừng ngại phân lợn hôi hám. Đất trát phân lợn có thể giúp tránh nóng. Tuỳ ý bón cho hoa cỏ vụ xuân hè. Tháng tám chín mười đem thả rông chứ không nuôi nhốt. Cất cám lợn chờ đến cuối đông đầu xuân mới dùng”. Những lời này cho thấy người thời đó đã chú ý kết hợp chăn thả và nuôi nhốt. Theo mùa mà thực hành cách nuôi không giống nhau.
Thời Tuỳ, Đường, năng lực nuôi lợn không ngừng phát triển. Nuôi lợn trở thành cách tăng lợi ích cho nông dân. Trong cuốn Triều Dã Thiêm Tải, viết: “ Ở Đường Hồng Châu có người nuôi lợn mà giàu có, coi tiếng lợn kêu như lời vàng ngọc chim hót”