LỊCH SỬ NGHỀ NUÔI CÁ CHÉP TRUNG QUỐC VÀ SÓNG GIÓ TRÙNG HỌ VUA NHÀ ĐƯỜNG

   Chữ Lý (鲤con cá chép ) được tạo thành bởi hai chữ Ngư (鱼 con cá) và chữ Lý (里 Nơi ở). Theo sách Thuyết Văn Giải Tự thì Lý có nghĩa là dân cư, điền viên. Ý nghĩa của chữ Lý trong tên gọi con chép là con cá được nuôi trong vườn nhà. Chứng tỏ cá chép là loài cá được người cổ đại Trung Quốc nuôi từ rất sớm.

Theo sách Thi Kinh -Linh Đài viết Chu Văn Vương lập bàn thờ (Linh Đài) để cúng bái. Vì muốn hợp nhất âm dương, phía dưới bàn thờ phải đào một cái bể nhỏ (Linh Trảo). Bên trong cái bể này có nuôi cá để cho bàn thờ và bể nước nhìn hài hoà, ảnh hưởng tương hỗ. Chu Văn Vương làm bể cá dưới bàn thờ đã vô tình tạo bước tiến nhảy vọt từ hình thức nuôi cá tự nhiên chuyển sang nuôi trong bể nhân tạo. Nói cho dễ hình dung là bể cá có hòn non bộ ở dưới và bên trên có bàn thờ lộ thiên (không mái che) trước sân nhà như ở miền nam Việt Nam thời nay vậy.

  Tuy nhiên Chu Văn Vương không phải là người nuôi cá chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Theo sách Dưỡng Ngư Kinh, tương truyền rằng Phạm Lãi, người thời Xuân Thu mới là người nuôi cá sớm nhất Trung Quốc. Phạm Lãi lui về dưỡng già, tự gọi mình là Chu Công, người đời sau gọi ông là Đào Chu Công. Có một cuốn sách cổ tên là Đào Chu Công Dưỡng Ngư Kinh, viết dạng hỏi và trả lời về kết cấu ao cá, cách tiếp cận cá, phân biệt đực cái và cách duy trì nòi giống của cá.

   Thời nhà Hán, nghề nuôi cá phát triển mạnh mẽ. Sách Thuỷ Kinh Chú – Hà Thuỷ viết : “ Dựa vào cách nuôi cá của Phạm Lãi mà làm cái đập lớn. Đập dài 60 sải bước chân, rộng bốn mươi sải bước chân. Trên đập có bệ câu cá. Sách Miếu Ký viết trong ao sau này làm một cái thuyền du hý, có thể chứa được 5 người. Hán Vũ Đế cho xây dựng hồ Côn Minh ở thành Trường An bắt chước hồ Côn Minh ở tỉnh Vân Nam ngày nay. Ban đầu ông muốn công kích Nam Việt Quốc và Côn Minh Quốc. Lấy bình định thiên hạ làm giao lưu ngoại bang, sau này câu cá trên du thuyền trở thành sở trường của ông vua này”

   Tuy nhiên nghề nuôi cá chép thực sự gặp sóng gió sau khi vua Đường Cao Tông kế vị. Các vua nhà Đường đều mang họ Lý, trùng âm với Lý của tên cá chép. Thế là toàn quốc trên dưới bị cấm nuôi, ăn cá chép. Thậm chí con cá chép thời đó không được gọi là Lý nữa mà phải sửa tên thành Thích Hỗn (Cán) Công (赤鯶(鲩)公). Sách Cựu Đường Thư Huyền Tông Ký viết: “Cấm thiên hạ bắt cá chép, những hộ gia đình nuôi cá chép bị ép đổi nghề hoặc chuyển sang nuôi cá Trắm Đen (Thanh Ngư), cá Trắm Cỏ (Thảo Ngư), cá Mè Trắng (Liên Ngư), cá Mè Hoa (Dung Ngư). Nghề nuôi cá chép chưa bao giờ chịu đại công kích như vậy trong lịch sử.

   Sau này, các thời nhà Tống Nguyên, nghề nuôi cá chép được khôi phục. Tuy nhiên lúc này cá trắm đen, trắm cỏ, mè trắng, mè hoa đã trở thành bốn loại cá nuôi chủ lực của ngư nghiệp Trung Hoa.

***

Bài viết được dịch từ bài Nghề Nuôi Cá Chép Cổ Đại Trung Quốc trên chuyên mục Ngư Sự của trang web Học Hội Thủy Sản Tỉnh Hà Nam Trung Quốc đăng ngày 20/12/2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

1 BÌNH LUẬN